Không chỉ chú trọng đến vấn đề đãi ngộ và lộ trình thăng tiến, các thương hiệu tuyển dụng hàng đầu Việt Nam đều ý thức được việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, quan tâm đến các yếu tố tinh thần của nhân viên.
Người lao động thường có 3 mối quan tâm chính khi tìm việc, gồm: môi trường – văn hoá doanh nghiệp, tính chất công việc – lộ trình phát triển và thu nhập. Trải qua 2 năm đại dịch với nhiều xáo trộn, một phần không nhỏ nhân sự đang dần dịch chuyển sự quan tâm đối với các tiêu chí cơ bản này. Họ không quá đặt nặng yếu tố lương thưởng như trước đây, mà đề cao những giá trị phi vật chất như sự an toàn, sự bình đẳng, cơ hội kết nối, sẻ chia, sự quan tâm, ghi nhận từ lãnh đạo…
Hiểu được điều đó, sau thời gian nghiên cứu và khảo sát, Viet Research phối hợp với Báo Đầu tư công bố Bảng xếp hạng Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam (VBE 500) 2022. Bảng xếp hạng là nơi ghi nhận, vinh danh những doanh nghiệp uy tín, có ý thức cao trong việc tạo dựng môi trường làm việc hiệu quả cho nhân viên; đồng thời cũng được coi là kênh tham chiếu thực tế cho những nhân sự đang tìm kiếm việc làm, hoặc đã có việc nhưng vẫn muốn thử sức ở những môi trường khác.
Tái định vị thương hiệu nhà tuyển dụng
Là ngân hàng có lịch sử lâu đời nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã lọt top 10 nhà tuyển dụng hàng đầu trong Bảng xếp hạng VBE 500. Giai đoạn 2 năm đại dịch, bất chấp những bất lợi trong nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương, thì BIDV vẫn duy trì đội ngũ của mình, các chế độ dành cho người lao động được đảm bảo đầy đủ.
“Sự nhân văn và tử tế là nét nổi bật trong văn hóa của BIDV”, bà Vũ Thị Thu Hiền, Trưởng nhóm tuyển dụng BIDV chia sẻ.
Theo bà Hiền, BIDV hướng tới xây dựng môi trường làm việc văn minh, an toàn cho nhân sự. Điều này có nghĩa bất kể người lao động nào, khi bước chân vào BIDV, cũng đều có thể chia sẻ vấn đề với đồng nghiệp, với cấp dưới hay cấp trên một cách thoải mái, cởi mở, làm sao để tất cả cùng phát huy sức mạnh, tính sáng tạo cá nhân, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của tập thể.
Với lịch sử 65 năm hình thành, phát triển, BIDV có nhiều lợi thế trên thị trường tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, đại diện BIDV cho biết, hậu đại dịch, Ngân hàng nhận thấy người lao động đã có những quan điểm mới, mong muốn mới trong khi tìm việc làm. Họ hướng tới những công việc có ý nghĩa, có chế độ làm việc linh hoạt và thu nhập cao để bù đắp áp lực trượt giá, lạm phát…
Vì thế, BIDV đang tiến hành tái định vị thương hiệu nhà tuyển dụng theo xu hướng của thời đại mới, tập trung và quan tâm đến trải nghiệm của nhân viên, đến cảm nghĩ và nhu cầu mới của người lao động hậu đại dịch…
“Chúng tôi hiểu rằng, hậu Covid-19, người lao động sẽ định vị lại tất cả cảm nhận của mình trong quá trình làm việc. Ngoài tiền lương và các chế độ phúc lợi, họ cần nhiều hơn sự gắn kết giữa các đồng nghiệp, sự cảm thông của người lãnh đạo, cần môi trường làm việc linh hoạt… – tất cả những yếu tố vốn đã nằm sẵn trong hệ giá trị mà doanh nghiệp cam kết cho người lao động”, bà Hiền nhìn nhận.
Theo Brand Learning, EVP (Employee Value Proposition) được định nghĩa là tập hợp các thuộc tính và lợi ích khác biệt tạo động lực khuyến khích ứng viên ứng tuyển vào một doanh nghiệp và những nhân viên hiện tại gắn kết với doanh nghiệp đó. Để cụ thể hóa tầm nhìn trên, đại diện BIDV cho biết, Ngân hàng đã xây dựng lại EVP ứng với từng nhóm nhân sự khác nhau.
Ở BIDV, EVP được thiết kế riêng cho từng nhóm nhân sự, như sinh viên mới ra trường, thế hệ lãnh đạo cấp chung, thế hệ lãnh đạo cấp cao…, đảm bảo có sự kết hợp hài hòa giữa nhu cầu cá nhân người lao động với chiến lược tổ chức trong từng thời kỳ.
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Một thương hiệu tuyển dụng nổi bật khác trong Bảng xếp hạng VBE 500 năm nay chính là Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T (F.I.T Group). Bà Nguyễn Thị Hoài, Tổng giám đốc F.I.T Group cho biết, không chỉ đợi đến hậu đại dịch, khi thị trường tuyển dụng có nhiều xáo trộn, thì Tập đoàn mới chú trọng đến vấn đề xây dựng môi trường làm việc, mà yếu tố này đã được quan tâm từ trước đó.
F.I.T Group hướng tới tạo dựng một môi trường mà ở đó người lao động cân bằng được cuộc sống và công việc, được khẳng định giá trị bản thân, tự do sáng tạo, cũng như tự do trong khuôn khổ để tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Mỗi lao động tại đây cũng được hoạch định con đường phát triển cụ thể trong tương lai, từ đó tránh được cảm giác “bơ vơ”, “không biết đi đâu về đâu”.
“Không chỉ chăm sóc người lao động mà Tập đoàn còn để ý đến các thành viên trong gia đình họ thông qua các chế độ quan tâm, động viên, thăm hỏi…, tạo ra giá trị để người lao động gắn bó với Tập đoàn”, bà Hoài chia sẻ thêm.
Với thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) chiếm khoảng 30% trong tổ chức, F.I.T Group cũng chú trọng đến yếu tố cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ngoài quãng thời gian cống hiến cho công việc, nhân sự được tạo điều kiện tham gia nhiều sân chơi khác nhau như tham gia phòng tập gym, tập golf, câu lạc bộ đọc sách, thể thao…
Chính vì thế, với F.I.T Group, bà Hoài tiết lộ, tỷ lệ xáo trộn nhân sự khá thấp, chỉ dưới 10% mỗi năm. Có tới 20-30% nhân sự gắn bó với Tập đoàn kể từ khi thành lập (15 năm trước), thậm chí nếu tính các nhân sự gắn bó từ 5-10 năm, thì tỷ lệ này cao hơn nhiều.
Được biết, ngoài 2 thương hiệu kể trên, Bảng xếp hạng VBE 500 năm nay còn là sự ghi nhận của nhiều thương hiệu thuộc các nhóm ngành khác nhau, từ bán lẻ, viễn thông, công nghệ thông tin, bảo hiểm, thực phẩm, đồ uống…
Nhung Bùi (baodautu.vn)