Những thách thức như toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng thu nhập và quyền lực ngày càng lớn của các tập đoàn công nghệ đã làm lung lay niềm tin của công chúng vào các tập đoàn lớn. Trong một cuộc thăm dò hàng năm của Gallup Inc. (một công ty tư vấn và phân tích đa quốc gia của Mỹ nổi tiếng toàn cầu với các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành trên toàn thế giới), hơn một trong ba người được khảo sát bày tỏ ít hoặc không có niềm tin vào các doanh nghiệp lớn—tăng bảy điểm phần trăm so với hai thập kỷ trước. Các chính trị gia và nhà bình luận đang kêu gọi tăng cường các quy định và thay đổi cơ bản trong quản trị doanh nghiệp. Theo đó, các lập luận bao gồm kêu gọi các công ty đưa vào quyết định chiến lược của mình một kế hoạch hướng đến việc tạo giá trị rộng hơn thay vì chỉ giới hạn ở các cổ đông. Đây là một quan điểm đã có ảnh hưởng lâu dài ở châu Âu, và thường được tích hợp vào các cấu trúc quản trị doanh nghiệp. Cách tiếp cận này cũng đang nhận được sự quan tâm tại Hoa Kỳ, với sự xuất hiện của các công ty lợi ích công cộng, nơi các giám đốc được trao quyền rõ ràng để xem xét các lợi ích của các nhóm đối tượng khác ngoài cổ đông.
Trong bối cảnh như vậy, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo phải có sự hiểu biết rõ ràng về ý nghĩa của việc tạo ra giá trị. Đối với các nhà điều hành quan tâm đến giá trị ngày nay, việc tạo ra giá trị không thể chỉ giới hạn ở việc tối đa hóa giá cổ phiếu hiện tại. Thay vào đó, nên hướng đến một mục tiêu rộng hơn: Tạo ra các giá trị bền vững, dài hạn cho cho cổ đông, cho người lao động và cho xã hội. Điều này đồng nghĩa với các doanh nghiệp thành công cần phải thúc đẩy chuyển đổi chiến lược kinh doanh từ mô hình tận thu giá trị (value extraction model) sang mô hình kiến tạo giá trị (value creation model), tiến hành những chuyển đổi chiến lược sâu sắc để hướng tới các mục tiêu dài hạn hơn như tăng năng suất, tăng tính thích ứng và tăng khả năng phát triển bền vững.
Tạo ra giá trị cho cổ đông và các bên liên quan: Một cách tiếp cận cân bằng
Đối với các công ty thành công trên toàn thế giới, việc tạo ra giá trị cổ đông dài hạn đòi hỏi phải thỏa mãn các bên liên quan khác. Bạn không thể tạo ra giá trị dài hạn bằng cách bỏ qua nhu cầu của khách hàng, nhà cung cấp và nhân viên của mình. Đầu tư cho tăng trưởng bền vững sẽ tạo ra các nền kinh tế có sức mạnh hơn, mức sống cao hơn và nhiều cơ hội hơn cho thành viên trong đó. Bên cạnh việc tạo ra lợi nhuận bền vững, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người lao động, những cam kết và thực thi trong các lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng tạo ra giá trị cho xã hội. Ví dụ, bộ công cụ miễn phí cho giáo dục của Alphabet, bao gồm Google Classroom, không chỉ nhằm trang bị cho giáo viên các tài nguyên để làm cho công việc của họ dễ dàng hơn và hiệu quả hơn, mà còn có thể giúp học sinh trên khắp thế giới làm quen với các ứng dụng của Google – đặc biệt là những học sinh ở các cộng đồng thiệt thòi có thể không có cơ hội tiếp cận máy tính. Alphabet cũng không ngần ngại từ chối kinh doanh trong những trường hợp mà họ cho là có hại cho các cộng đồng dễ bị tổn thương: Cửa hàng ứng dụng Google Play hiện cấm các ứng dụng cho vay cá nhân với tỷ lệ phần trăm hàng năm cắt cổ, một đặc điểm quá phổ biến của các khoản vay ngày trả lãi suất cao.
Tương tự, sứ mệnh của Lego là “Hãy chơi TỐT” – sử dụng sức mạnh của trò chơi để truyền cảm hứng cho “những công nhân của tương lai, cho môi trường và cộng đồng của họ” – tạo ra chương trình kết nối hàng chục trẻ em ở vùng nông thôn Trung Quốc với các bậc cha mẹ đang làm việc của chúng. Các chương trình như vậy đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thương hiệu của Lego trong cộng đồng và ngay cả trong nội bộ công ty. Theo đó, báo cáo về mức độ động lực và hài lòng của nhân viên Lego vượt mục tiêu năm 2018 tới 50%. Hay nỗ lực của tập đoàn toàn cầu Sodexo trong việc khuyến khích cân bằng giới tính trong đội ngũ quản lý. Sodexo cho biết chương trình này không chỉ tăng tỷ lệ giữ chân nhân viên lên 8%, mà còn tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng lên 9% và cải thiện biên lợi nhuận hoạt động thêm 8%.
Không thể tránh khỏi, sẽ có những lúc trong đó lợi ích của tất cả các bên liên quan của một công ty không bổ trợ lẫn nhau. Các quyết định chiến lược đều liên quan đến rất nhiều sự đánh đổi, và thực tế là lợi ích của các nhóm khác nhau có thể mâu thuẫn với nhau.
Để tạo ra giá trị dài hạn cho cổ đông, người lao động và xã hội, các lãnh đạo doanh nghiệp thành công khi phải đối mặt với các sự đánh đổi, nên ưu tiên tạo ra giá trị dài hạn, dựa trên những lợi thế mà điều này mang lại cho việc phân bổ nguồn lực và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp mình. Ví dụ, hãy xem xét đến các bên liên quan là nhân viên. Nếu một công ty cố gắng tăng lợi nhuận bằng cách cung cấp môi trường làm việc không an toàn, trả lương thấp cho nhân viên hoặc cắt giảm phúc lợi sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Nhân viên không có kỹ năng có thể dẫn đến sản phẩm kém chất lượng hơn, giảm nhu cầu và làm tổn hại đến danh tiếng của thương hiệu công ty. Thêm vào đó, với môi trường làm việc thiếu an toàn, nhiều chấn thương và bệnh tật hơn có thể dẫn đến sự giám sát của cơ quan quản lý và áp lực nhiều hơn từ công đoàn. Ngoài ra tỷ lệ thay đổi nhân viên cao sẽ không thể tránh khỏi việc gia tăng chi phí đào tạo. Với lực lượng lao động di động và có trình độ học vấn ngày nay, một công ty như vậy sẽ gặp khó khăn trong dài hạn khi cạnh tranh với các đối thủ cung cấp môi trường làm việc hấp dẫn hơn.
Thay vào đó, hãy tập trung vào việc tạo ra giá trị dài hạn từ việc trả lương đủ để thu hút nhân viên chất lượng, giữ cho họ hài lòng và năng suất, và kết hợp mức lương đó với một loạt các lợi ích và phúc lợi phi tiền tệ. Ngay cả các công ty đã chuyển hoạt động sản xuất các sản phẩm như quần áo và dệt may sang các nước có chi phí thấp cũng nhận thấy rằng họ cần giám sát điều kiện làm việc của các nhà cung cấp của mình nếu không muốn đối mặt với sự phản ứng tiêu cực từ người tiêu dùng.
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy các công ty tạo ra giá trị đang tạo ra nhiều việc làm hơn. Khi xem xét về việc làm, các công ty Hoa Kỳ và Châu Âu tạo ra nhiều giá trị cho cổ đông nhất trong 15 năm qua đã cho thấy mức tăng trưởng việc làm tốt hơn rất nhiều.
Value500, Value10 – Công nhận các doanh nghiệp tạo giá trị tại Việt Nam
Lần đầu tiên tại Việt Nam, Chương trình nghiên cứu toàn quốc về Top 500 Doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam 2024 – Value500 và Top 10 Doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam 2024 trong các ngành kinh tế trọng điểm – Value10 được nghiên cứu và công bố bởi Viet Research và Báo Đầu tư để xác định và công bố các doanh nghiệp tạo giá trị trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, dựa trên việc nghiên cứu, đánh giá 04 nhóm chỉ tiêu đối với từng doanh nghiệp. Đây là cộng đồng doanh nghiệp lớn có tầm ảnh hưởng, đã đạt được những thành công trong phát triển, không chỉ là những người dẫn đầu về doanh thu, lợi nhuận, đóng góp ngân sách, mà còn là những người tiên phong trong việc định hình xu hướng phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực cho xã hội, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đem lại giá trị cho cổ đông, các bên liên quan và toàn xã hội.
Việc nghiên cứu, đánh giá và vinh danh các công ty này không chỉ là một sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực của doanh nghiệp mà còn là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp khác cùng hướng tới mục tiêu phát triển dài hạn, bền vững và tạo dựng giá trị cho xã hội.
Được vinh danh trong Value500 và Value10 chứng tỏ doanh nghiệp không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn chú trọng đến việc tạo ra giá trị lâu dài cho cổ đông, khách hàng, nhân viên và cộng đồng. Giá trị này bao gồm cả các yếu tố tài chính và phi tài chính như sự hài lòng của khách hàng, phúc lợi nhân viên, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Những giá trị này giúp tạo nên một thương hiệu uy tín và bền vững, thu hút được lòng tin và sự ủng hộ từ nhiều phía.